Đối với khách phương Tây nói riêng và khách quốc tế nói chung thì Seoul thực sự đáng thăm viếng, vui thú, giải trí, nhất là vào thời gian cuối tháng 9 đầu tháng 10 hàng năm. Lúc ấy cả Hàn Quốc đang mừng Chuseok, mùa lễ hội lớn và vui nhất trong năm nên Seoul trông tưng bừng hơn cả.
Cũng như ngày lễ Tạ ơn bên Mỹ, lễ Chuseok là cơ hội để mọi thành viên của từng gia đình Hàn Quốc sum họp, chúc mừng nhau và ăn uống, vui thú, giải trí bên nhau. Đúng theo truyền thống, lễ này luôn được cử hành vào dịp kết thúc vụ mùa lúa và trái cây (năm nay bắt đầu ngày 24 và kết thúc vào đêm 29/9).

Lúc này, bàn tiệc thịnh soạn với nhiều trái, quả, thịt, rượu hơn. Cánh phụ nữ dĩ nhiên là bận rộn nhất trong dịp này vì họ phải chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống, có khi mất cả nhiều ngày mới hoàn tất. "Charyesang", tức một bàn tiệc dành cho tổ tiên, cũng được các bà các cô dọn ra và lặp đi lặp lại trong đủ các ngày của mùa lễ (không khác gì người Việt chúng ta có mâm cỗ cúng ông bà vào những ngày tết Nguyên đán). Không thể thiếu "songpyeon", loại bánh bột gạo có hình trăng bán nguyệt. Ở nông thôn, người ta vẫn còn thói quen tổ chức các trận đấu bò, đấu trâu, còn những "hanok" (nhà theo kiến trúc Hàn Quốc cổ) thì sáng rực với ánh đèn lồng.
Seoul trở thành một đô thị khác hẳn trong mùa lễ Chuseok. Phố xá đông nghịt người mua kẻ bán. Các xa lộ dẫn vào thủ đô dài ngoằng những đoàn xe. Tất cả các nhà hàng, quán bar, hộp đêm, rạp chiếu phim, sân khấu kịch, quán karaoke... đều mở cửa thâu đêm để phục vụ du khách. Chỉ có các cửa hàng bách hoá, khu thương mại và toà nhà văn phòng là đóng cửa.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, muốn thưởng ngoạn lễ Chuseok đúng theo truyền thống Hàn Quốc, du khách nên tìm đến làng Namsangol Hanok, một "vết tích làng cổ" trong đô thị bêtông cốt thép ở Seoul. Nó nằm gần nhà ga xe điện ngầm Chungmuro. Đến đây, khách có thể tập làm bánh songpyeon, theo dõi cách bầy mâm cỗ charyesang, xem ca kịch pansori, xem các nghệ sĩ đi dây căng trên cao, vũ mặt nạ...
Để tìm hiểu kỹ hơn về lễ hội truyền thống này, du khách cần vào Bảo tàng dân gian quốc gia Hàn Quốc rộng lớn với 5 tầng lầu nằm trong khu dinh thự Gyeonbok. Vì nơi đây có trưng bày đến 71.000 cổ vật, nghệ phẩm mô tả cuộc sống của giai cấp quý tộc lẫn người bình dân Hàn Quốc trong quá khứ, nhất là dưới triều đại Joseon (1392 đến 1910). Vào ngày chủ nhật, thăm bảo tàng này, du khách còn có dịp học kỹ thuật làm mặt nạ dân gian Hàn Quốc; vũ mặt nạ; nấu nướng các món ăn dùng trong mùa lễ Chuseok... Bảo tàng lịch sử Seoul, gần nhà ga Gwanghwamun cũng là nơi khách nên ghé thăm nếu muốn tìm hiểu về lịch sử hình thành nên thủ đô Seoul. Đặc biệt hấp dẫn và cần thiết vì không lâu nữa, Hàn Quốc sẽ có thủ đô mới ở xa hơn về hướng nam.
Thăm dinh thự Unhyeong nằm gần nhà ga Anguk vào đúng ngày 2/10, du khách sẽ có dịp tận mắt xem các nghệ sĩ Hàn Quốc diễn lại cảnh đám cưới hoàng gia cuối cùng trong lịch sử nước này (lễ cưới của Hoàng đế Gojong và hoàng hậu Myeongseong vào năm 1866). Nếu hụt, khách phải đợi đến năm 2005 mới có thể xem lại cảnh diễn tuyệt đẹp này.
Nhưng muốn hưởng trọn bầu không khí lễ hội Chuseok truyền thống cổ nhất thì du khách phải tìm đến làng dân gian Hàn Quốc ở tỉnh Gyeonggi thuộc ngoại ô Seoul. Trong ngôi làng trải rộng trên 200 hecta này, có 260 căn nhà xây dựng theo kiểu kiến trúc thịnh hành thời kỳ cuối của triều đại Joseon thực ra là một bảo tàng "sống". Khách sẽ có cơ hội chơi nhảy dây, chơi "tuho" (ném que gỗ vào thùng), dự lễ nghi cúng tổ tiên và các thần đã ban ơn lành cho con cháu có vụ mùa bội thu.
Seoul còn nổi tiếng với giới du khách balô quốc tế ở khoản có những quán hàng lề đường nấu nướng sạch sẽ, vệ sinh an toàn nhất châu Á. Và đã đến Seoul thì đừng quên thử massage trong các nhà tắm công cộng, đi xem múa quạt cổ truyền (trong lúc ăn tối) và mua áo quần, giày dép, đồ dùng trên các phố chợ ngoài trời về đêm.
Việt Báo (Theo-Ngoisao)